Quay lạiQuay lại

Bảo hiểm tai nạn công nhân có bắt buộc không?

30/11/2022

Share

Nội dung chính

I. Những đối tượng bắt buộc  tham gia bảo hiểm tai nạn công nhân
II. Ai chịu trách nhiệm đóng bảo hiểm tai nạn cho công nhân? Mức đóng bao nhiêu?
III. Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động
IV. Mức bồi thường bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Tạm kết

Bảo hiểm tai nạn công nhân hay thường được biết đến là bảo hiểm tai nạn lao động là loại bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động trước các sự cố xảy ra trong quá trình làm việc ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng lao động trong tương lai.

Đặc biệt, những người công nhân thi công công trình, khai khoáng, sản xuất hóa chất, cao su, sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại… là những đối tượng dễ bị tai nạn lao động nhất. Sự bảo vệ đến từ bảo hiểm tai nạn lao động không chỉ giúp họ vững tin hơn trong quá trình làm việc, đồng thời còn giúp đỡ người lao động giảm bớt khó khăn tài chính sau tai nạn.

Bảo hiểm tai nạn công nhân là gì? Có bắt buộc không?

Bảo hiểm tai nạn công nhân là gì? Có bắt buộc không?

I. Những đối tượng bắt buộc  tham gia bảo hiểm tai nạn công nhân

Theo số liệu do Bộ lao động - Thương binh và Xã hội thống kê cho biết, vào năm 2021 đã có 6.504 vụ tai nạn lao động khiến 6.658 người bị thương. Qua những con số này cho thấy, tai nạn lao động có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn người công nhân, từ đó gián tiếp gây ảnh hưởng tiêu cực cho hàng ngàn gia đình mỗi năm. Nghiêm trọng hơn nếu người lao động đó là trụ cột chính của gia đình.

Do đó, tham gia bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp cho người lao động có ý nghĩa to lớn đối với người lao động, đồng thời đây còn là chính sách bắt buộc của nhà nước nhằm an sinh xã hội.

Theo đó, căn cứ tại Điều 43 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015Khoản 1 điều 2 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định những người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc gồm:

  • Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định về cán bộ, công chức và viên chức.
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.
  • Hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.
  • Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.
  • Người làm việc trong hợp đồng không xác định thời hạn và hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên và người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến 03 tháng. Không bao gồm người lao động là người giúp việc gia đình.
  • Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Như vậy, người lao động làm việc dưới hình thức hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên đều bắt buộc tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định

II. Ai chịu trách nhiệm đóng bảo hiểm tai nạn cho công nhân? Mức đóng bao nhiêu?

Người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tai nạn công nhân cho người lao động.

Người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tai nạn công nhân cho người lao động.

Dựa trên Khoản 2 Điều 41 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có nêu rõ, công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức không phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà trách nhiệm này thuộc về người sử dụng lao động.

Theo hướng dẫn tại Nghị định 58/2020/NĐ-CP quy định về mức đóng hàng tháng mà người sử dụng lao động phải đóng và Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

  • Trong hầu hết các trường hợp:

Mức đóng bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp = 0,5% x Tiền lương tháng đóng BHXH

  • Doanh nghiệp đạt đủ điều kiện đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn và có văn bản gửi Sở lao động - Thương binh và Xã hội đã được chấp thuận:

Mức đóng bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp = 0,3% x Tiền lương tháng đóng BHXH.

III. Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động

Khi tham gia bảo hiểm tai nạn công nhân, người lao động sẽ được Quỹ bảo hiểm lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả cho các khoản sau theo Điều 42 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015:

  • Chi phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho những lao động đủ điều kiện hưởng.
  • Chi phí giám định với những trường hợp người lao động chủ động đi khám mức suy giảm khả năng lao động mà kết quả giám định đủ điều kiện để điều chỉnh mức suy giảm khả năng lao động mà kết quả đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn, bệnh nghề nghiệp.
  • Trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp phục vụ.
  • Hỗ trợ phương tiện giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
  • Chi trả tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
  • Hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
  • Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trở lại làm việc.
  • Chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp.
  • Chi phí đóng BHYT cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.

IV. Mức bồi thường bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Mức bồi thường bảo hiểm tai nạn công nhân theo quy định là bao nhiêu?

Mức bồi thường bảo hiểm tai nạn công nhân theo quy định là bao nhiêu?

Tại Điều 3 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH có quy định về mức bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi người lao động có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động. 

Cụ thể, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết mà không phải lỗi hoàn toàn do người này gây ra, sẽ nhận được một mức bồi thường được tính như sau:

  • Nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 5% - 10% sẽ được bồi thường bằng ít nhất 1,5 tháng tiền lương. Ngoài ra, nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% - 80% thì cứ mỗi 1% tăng thêm sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương.
  • Suy giảm từ 81% khả năng lao động trở lên hoặc chết sẽ nhận được một khoản bồi thường bằng ít nhất bằng 30 tháng tiền lương.

Ngoài ra, trên thị trường các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã triển khai các gói bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm tai nạn cá nhân, bảo hiểm tai nạn 24/24… không những chỉ bảo vệ cho bạn trước tai nạn lao động mà còn bao gồm cả nhiều trường hợp tai nạn khác trong cuộc sống. 

Do đó, đối với một số người lao động hiện đang làm công việc có tính chất nghề nghiệp nguy hiểm như công nhân công trình, công nhân trong các nhà máy sản xuất hóa chất, cơ khí hoặc nhân viên văn phòng… có thể chủ động mua thêm gói bảo hiểm tai nạn cá nhân từ các doanh nghiệp bảo hiểm bên cạnh bảo hiểm tai nạn lao động, để nhận được nhiều sự bảo vệ hơn trước các rủi ro trong cuộc sống và công việc.

Tạm kết

Theo quy định, bảo hiểm tai nạn công nhân là trách nhiệm bắt buộc của người sử dụng lao động đối với người lao động nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động. Tuy nhiên, bạn cũng có thể chủ động tham gia gói bảo hiểm tai nạn cá nhân từ các doanh nghiệp để nâng cao sức mạnh bảo vệ bản thân cũng như gia đình trước rủi ro không thể lường trước được trong tương lai nhé!

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan