Quay lạiQuay lại

Mách bạn 03 điều quan trọng khi khám sức khỏe định kỳ

27/3/2023

Share

Nội dung chính

I. Vì sao nên khám sức khỏe định kỳ?
1. Phát hiện sớm những bệnh nguy hiểm ngay từ giai đoạn đầu
2. Biết rõ hơn các nguyên nhân gây ra bệnh và có hướng điều trị phù hợp
3. Điều chỉnh lối sống khoa học hơn
II. Khám sức khỏe định kỳ gồm những gì?
1. Tìm hiểu tiền sử
2. Khám nội tổng quát
3. Khám răng 
4. Khám Tai - Mũi - Họng
 5. Đo điện tâm đồ liên tục (Holter ECG)
6. X - quang tim phổi 
7. Siêu âm bụng
8. Tổng phân tích nước tiểu
9. Phụ khoa
III. Những điều cần chú ý khi khám sức khỏe định kỳ

Khám sức khỏe định kỳ là phương pháp được nhiều người lựa chọn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng như để phòng ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm. Khám sức khỏe định kỳ không những kiểm tra được tình trạng sức khỏe hiện tại mà còn phát hiện ra sớm các nguy cơ có thể gây bệnh trong tương lai. Vậy khám sức khỏe định kỳ để làm gì và gồm những gì? Chúng ta cùng nhau đi tìm lời giải đáp nhé!

Khám sức khỏe định kỳ là phương pháp được nhiều người lựa chọn - Nguồn: Canva

Khám sức khỏe định kỳ là phương pháp được nhiều người lựa chọn - Nguồn: Canva

I. Vì sao nên khám sức khỏe định kỳ?

Sức khỏe là vốn quý giá nhất của mỗi người, chỉ khi có sức khỏe con người mới có thể học tập và làm việc. Vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện trách nhiệm của mỗi người đối với sức khỏe của bản thân. Khám sức khỏe thường xuyên mang đến rất nhiều lợi ích, bao gồm:

1. Phát hiện sớm những bệnh nguy hiểm ngay từ giai đoạn đầu

Các gói khám sức khỏe định kỳ có khả năng phát hiện các bệnh nguy hiểm ngay từ giai đoạn đầu, đặc biệt là ung thư. Theo WHO- Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 1/3 các loại bệnh ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ra sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân chỉ đến gặp bác sĩ khi đã có những biểu hiện rõ nét của bệnh, thường vào những giai đoạn cuối nên cơ hội chữa khỏi là rất thấp.

2. Biết rõ hơn các nguyên nhân gây ra bệnh và có hướng điều trị phù hợp

Bên cạnh các bài kiểm tra sàng lọc, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra bạn về các hành vi lối sống, tình trạng tiêm chủng và tiểu sự bệnh của gia đình (nếu có). Nhờ đó khi phát hiện ra bệnh, bác sĩ sẽ biết được nguyên nhân và sẽ có phương án điều trị thích hợp.

3. Điều chỉnh lối sống khoa học hơn

Với nhịp sống bận rộn, chúng ta có rất nhiều thói quen ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như thức khuya, ăn uống không điều độ, không vận động thường xuyên,...Khi đi khám sức khỏe định kỳ  bác sĩ sẽ cho bạn những gợi ý giúp cải thiện lối sống trở nên khoa học và tốt hơn.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ mỗi năm đều đặn 1-2 lần để kiểm soát các vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, việc khám sức khỏe bao lâu 1 lần còn tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe và môi trường làm việc của bản thân. 

II. Khám sức khỏe định kỳ gồm những gì?

1. Tìm hiểu tiền sử

Tìm hiểu tiểu sử sẽ bao gồm kiểm tra tình trạng tiêm chủng, bệnh di truyền (nếu có),...Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ cập nhật các thông tin về hành vi lối sống của bạn như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia quá mức, chế độ ăn uống và tập thể dục.

2. Khám nội tổng quát

Khám nội tổng quát là quy trình không thể thiếu trong khám sức khỏe định kỳ. Quy trình bao gồm các hạng mục như:

  • Nội tổng quát: đo chỉ số cơ thể, khám tim mạch, tiền sử bệnh,...
  • Nội hô hấp
  • Nội tiêu hóa 
  • Nội thần kinh
  • Nội tiết
  • Nội cơ xương khớp

Các hạng mục trong nội tổng quát rất đa dạng, tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người và đề nghị từ phía bác sĩ, bạn có thể linh hoạt lựa chọn những hạng mục cần thiết nhất.

Các hạng mục nội tổng quát rất đa dạng, tùy vào nhu cầu mỗi người - Nguồn: Canva

Các hạng mục nội tổng quát rất đa dạng, tùy vào nhu cầu mỗi người - Nguồn: Canva

3. Khám răng 

Khoang miệng là nơi tích tụ khá nhiều vi khuẩn. Tại đây sẽ xuất hiện nhiều vấn đề như sâu răng, hôi miệng,...và đặc biệt là viêm nha chu. Thông qua việc kiểm tra răng miệng, bạn có thể phát hiện nhiều bệnh về răng nguy hiểm và được tư vấn chăm sóc răng miệng khoa học hơn.

4. Khám Tai - Mũi - Họng

Khi khám Tai - Mũi - Họng bác sĩ sẽ đánh giá chức năng hiện tại của các bộ phận và sẽ kê đơn thuốc nếu phát hiện bệnh. Các bệnh về 3 bộ phận này mặc dù không quá nguy hiểm hoặc gây tử vong, tuy nhiên những bệnh này thường dai dẳng và hay tái phát nên cần điều trị cho dứt điểm ngay từ đầu.

 5. Đo điện tâm đồ liên tục (Holter ECG)

Holter ECG giúp chúng ta ghi nhận lại những hoạt động điện học của tim. Hạng mục này không gây đau đớn hay khó chịu. Với kết quả của đo điện tâm đồ liên tục, bác sĩ có thể chẩn đoán về các vấn đề tim mạch mà bạn đang mắc phải (suy tim, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim,...) nhằm đưa ra hướng giải quyết nhanh và phù hợp nhất.

6. X - quang tim phổi 

Hạng mục này sử dụng một lượng bức xạ nhỏ để tạo ra hình ảnh của tim, phổi và mạch máu của bạn, thường diễn ra từ 10 đến 15 phút và không gây đau đớn. X-quang tim phổi giúp bác sĩ biết được các vấn đề về tim, phổi như:

  • Tim to
  • Vấn đề về mạch máu
  • Dị tật tim bẩm sinh
  • Dịch trong hoặc xung quanh phổi của bạn
  • Canxi tích tụ trong tim hoặc mạch máu

7. Siêu âm bụng

Đây là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, sử dụng sóng siêu âm để cập nhật các hình ảnh bên trong khoang bụng. Từ đó giúp phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn của bệnh nguy hiểm, đặc biệt là ung thư. Khi bắt đầu quá trình này, bạn sẽ được yêu cầu nằm ngửa trên bàn khám, một chất gel trong suốt sẽ được bôi lên bụng bạn giúp đầu dò tiếp xúc tốt hơn. Chất gel này hoàn toàn không gây kích ứng và dễ dàng lau sạch.

8. Tổng phân tích nước tiểu

Thông qua việc quan sát nước tiểu, bác sĩ có thể phát hiện ra một số bệnh mãn tính như: tiểu đường, thận, nhiễm trùng đường tiểu,...Ngoài ra, đây cũng là xét nghiệm giúp phát hiện người đi khám sức khỏe có đang sử dụng ma túy không.

9. Phụ khoa

Phụ khoa là khoa dành cho nữ để kiểm tra tình trạng viêm nhiễm phụ khoa và kiểm soát ung thư cổ tử cung. Thường thì phụ nữ đã có gia đình (hoặc đã quan hệ tình dục) mới thực hiện các hạng mục như: soi cổ tử cung, Liqui-prep, HPV genotype PCR.

Lưu ý: Trong quá trình khám bệnh, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào thì hãy trao đổi thẳng thắn với bác sĩ. Kể cả những dấu hiệu, bạn cảm thấy sức khỏe của mình ra sao vì có một số triệu chứng của bệnh chỉ có bản thân bạn mới cảm nhận được.

Hãy trao đổi thẳng thắn với bác sĩ để có thêm lời giải đáp - Nguồn: Canva

Hãy trao đổi thẳng thắn với bác sĩ để có thêm lời giải đáp - Nguồn: Canva

III. Những điều cần chú ý khi khám sức khỏe định kỳ

Để quá trình khám bệnh diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và có tính chính xác cao, người lao động cần lưu ý những điều sau:

  • Nhịn ăn sáng nếu nội soi dạ dày
  • Đi tiểu trước khi siêu âm đầu dò
  • Tránh quan hệ tình dục trước khi khám
  • Uống nhiều nước và nhịn tiểu nếu siêu âm bụng
  • Phụ nữ có thai, đang trong kỳ kinh không khám phụ khoa
  • Trước khi khám không uống đồ uống có đường, sử dụng chất kích thích
  • Vệ sinh tai - mũi - họng và vùng kín sạch sẽ để không ảnh hưởng đến việc quan sát của bác sĩ

Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của mỗi con người. Do đó việc giữ gìn và bảo vệ sức khỏe bằng việc khám sức khỏe định kỳ là rất cần thiết, giúp cho bản thân, gia đình luôn khỏe mạnh, vui sống mỗi ngày. Hi vọng qua bài viết trên, bạn đã tìm được cho mình những thông tin hữu ích để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan