Quay lạiQuay lại

Bảo hiểm tài sản là gì? Các loại bảo hiểm tài sản

20/10/2022

Share

Nội dung chính

1. Bảo hiểm tài sản là gì?
2. Các loại bảo hiểm tài sản mới nhất theo Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022
2.1 Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị
2.2 Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị
2.3 Hợp đồng bảo hiểm trùng
3. Căn cứ và hình thức bồi thường của hợp đồng bảo hiểm tài sản
3.1 Hình thức bồi thường
3.2 Căn cứ bồi thường
Tạm kết

Rủi ro được hiểu là những sự kiện không may mắn, có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi mà bạn không thể lường trước được. Chính vì vậy, việc sở hữu bảo hiểm rủi ro tài sản là điều cần thiết giúp người mua phòng bị những biến cố có thể xảy đến đối với tài sản của mình, đồng thời còn đảm bảo khôi phục lại năng lực tài chính như trước khi có rủi ro. Tuy nhiên, còn nhiều khách hàng băn khoăn không biết bảo hiểm tài sản là gì, có các loại bảo hiểm tài sản nào trước khi tham gia loại hình bảo hiểm này.

Bảo hiểm tài sản là gì?

Bảo hiểm tài sản là gì?

1. Bảo hiểm tài sản là gì?

Bảo hiểm tài sản là một loại bảo hiểm phi nhân thọ và có lịch sử từ lâu đời. Cũng tương tự như nhiều loại bảo hiểm khác, bảo hiểm tài sản cũng có chức năng giúp khách hàng khắc phục kịp thời những thiệt hại do rủi ro được bảo hiểm gây ra bằng hình thức bồi thường.

Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm tài sản là những tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự gồm vật có thực (nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị, vật tư…), tiền, giấy tờ có giá trị có thể được quy đổi thành tiền và quyền tài sản như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ… 

Như vậy, bảo hiểm tài sản là bảo hiểm cho giá trị thị trường của tài sản trước các sự kiện gây mất mát, hư hỏng hoặc làm giảm giá trị của tài sản gây nên thiệt hại cho người mua bảo hiểm. 

Trong đó, người mua bảo hiểm có quyền lợi được bảo hiểm khi có quyền sở hữu tài sản hoặc quyền chiếm hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đó.

2. Các loại bảo hiểm tài sản mới nhất theo Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022

Có các loại bảo hiểm tài sản nào theo quy định mới nhất?

Có các loại bảo hiểm tài sản nào theo quy định mới nhất?

2.1 Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị

Đây là loại hợp đồng bảo hiểm tài sản được ký kết giữa công ty bảo hiểm và bên mua là cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh với giá trị hợp đồng bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.

Khi ký kết loại hợp đồng này có thể thúc đẩy nhiều hành vi cố ý gian lận số tiền bảo hiểm. Chính vì vậy, hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị không được pháp luật cho phép giao kết. 

Nhưng do một số lý do nào đó mà công ty bảo hiểm vô tình giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị với người mua thì có thể giải quyết bằng các cách sau:

  • Khi chưa xảy ra sự kiện được bảo hiểm, bên bán bảo hiểm cần hoàn trả lại số tiền chênh lệch so với giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng cho bên mua, sau khi đã trừ các khoản chi phí hợp lý (nếu có).
  • Trường hợp đã xảy ra sự kiện được bảo hiểm, bên bán bảo hiểm cần thực hiện trách nhiệm bồi thường cho tài sản được bảo hiểm tương ứng với giá trị thị trường tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm. Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải hoàn trả lại số phí bảo hiểm mà bên mua đã đóng bằng với giá trị chênh lệch giữa mệnh giá bảo hiểm và giá trị thực của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng sau khi trừ đi các khoản chi phí hợp lý (nếu có).

2.2 Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị

Là loại hợp đồng có mệnh giá bảo hiểm thấp hơn so với giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.

Trong trường hợp này, khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra thì bên bán bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá trị thực của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng hoặc theo tỷ lệ khác được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

2.3 Hợp đồng bảo hiểm trùng

Hợp đồng bảo hiểm trùng xuất hiện khi người mua ký kết với hai doanh nghiệp bảo hiểm trở lên, để bảo hiểm cho cùng một loại tài sản với tổng số tiền bảo hiểm cao hơn giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.

Nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm tham gia hợp đồng cần chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ tương ứng với số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trên tổng chi phí bảo hiểm mà bên mua đã chi trả. Tuy nhiên, tổng số tiền bồi thường của các hợp đồng bảo hiểm rủi ro tài sản này không được vượt quá thiệt hại thực tế của tài sản được bảo hiểm.

3. Căn cứ và hình thức bồi thường của hợp đồng bảo hiểm tài sản

Các thức bồi thường và nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm tài sản.

Các thức bồi thường và nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm tài sản.

3.1 Hình thức bồi thường

Về hình thức bồi thường bảo hiểm tài sản, bên mua và bên bán bảo hiểm có thể thỏa thuận trong hợp đồng một trong các hình thức sau đây:

  • Sửa chữa tài sản bị thiệt hại
  • Thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác
  • Trả tiền bồi thường

Trong trường hợp hai bên không thể thỏa thuận được hình thức bồi thường, thì việc bồi thường sẽ được thực hiện bằng tiền.

Trong trường hợp xảy ra tổn thất, doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường bằng việc thay thế hoặc bồi thường toàn bộ theo giá thị trường của tài sản thì có quyền thu hồi tài sản bị thiệt hại.

3.2 Căn cứ bồi thường

Cần lưu ý rằng là không phải tất cả rủi ro đều được bồi thường. Thay vào đó, tùy vào từng doanh nghiệp bảo hiểm và điều khoản mà sẽ có những rủi ro được bồi thường và rủi ro không được bồi thường.

Một số trường hợp không được bồi thường cho những tổn thất do hao mòn tự nhiên hoặc bản chất vốn có của tài sản được bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng.

Nhưng khi xảy ra sự kiện được bảo hiểm, bồi thường là trách nhiệm mà doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện với người mua. Theo đó, căn cứ bồi thường được quy định như sau:

  • Số tiền bồi thường được xác định dựa trên cơ sở là giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có những thỏa thuận khác trong hợp đồng. Chi phí để thực hiện xác định giá trị thị trường và mức độ thiệt hại của tài sản khi xảy ra tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm chi trả.
  • Số tiền bồi thường không được vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ khi có thỏa thuận khác trong hợp đồng.
  • Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm cần phải chi trả cho những khoản chi phí cần thiết, hợp lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm cho bên mua nhằm thực hiện phòng ngừa, giảm thiểu tổn thất và chi phí phát sinh mà bên mua phải chịu để thực hiện theo hướng dẫn của bên bán bảo hiểm.

Nhằm đảm bảo ràng buộc với trách nhiệm được bảo hiểm, người được bảo hiểm không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm. Đồng thời, để ngăn chặn mục đích trục lợi trong bảo hiểm tài sản, người được bảo hiểm còn phải thực hiện các biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép để ngăn chặn hoặc giảm thiểu tổn thất, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có quy định khác.

Ngoài ra, bảo hiểm tài sản còn thường được đi kèm với sản phẩm bổ trợ là bảo hiểm trách nhiệm. Chúng được dùng trong trường hợp có sự xuất hiện người thứ ba kiện người mua bảo hiểm tài sản ra tòa do rủi ro gây thiệt hại cho họ trong lúc sử dụng tài sản được bảo hiểm. Như vậy, đối tượng của bảo hiểm trách nhiệm là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm.

Tạm kết

Trên đây là những thông tin cơ bản về bảo hiểm tài sản là gì và các loại bảo hiểm tài sản. Tuy có cùng nguyên tắc thực hiện theo quy định của pháp luật, nhưng với mỗi doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau cũng sẽ có hợp đồng bảo hiểm tài sản với những điều khoản về các lợi ích và chế độ bảo hiểm tương đối khác nhau. Do vậy, hãy đảm bảo rằng bạn đã tìm hiểu thật kỹ trước khi chính thức tham gia loại bảo hiểm này nhé!

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan