Quay lạiQuay lại

Điều kiện hiến máu và tiêu chuẩn cho người hiến máu lần đầu

27/3/2023

Share

Nội dung chính

I. Hiến máu có lợi gì?
1. Được kiểm tra sức khỏe
2. Cải thiện sức khỏe tim mạch
3. Tạo cảm giác hài lòng
II. Điều kiện hiến máu
1. Độ tuổi
2. Sức khỏe
III. 05 điều cần chú ý trước khi hiến máu
IV. Sau khi hiến máu cần làm gì?

Hiến máu nhân đạo là một hành động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Dù lượng máu được hiến tặng hàng năm rất nhiều nhưng nguồn dự trữ máu của Việt Nam đang dần cạn kiệt và không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tiếp máu cho người bệnh. Vì vậy, bộ Y tế luôn khuyến khích những người đủ điều kiện tham gia hiến máu nghĩa cử cao đẹp này. Vậy hiến máu như thế nào và điều kiện hiến máu là gì? Nội dung dưới đây sẽ chia sẻ cho bạn một cách chi tiết và rõ ràng nhất.

Hiến máu nhân đạo mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc - Nguồn: Canva

Hiến máu nhân đạo mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc - Nguồn: Canva

I. Hiến máu có lợi gì?

1. Được kiểm tra sức khỏe

Việc khám sức khỏe là một trong những phần bắt buộc trước xét xem bạn có đủ điều kiện hiến máu. Bạn sẽ được kiểm tra tổng quát về cân nặng, mạch, huyết áp, có thiếu máu hay không…sau đó bạn sẽ được một bác sĩ thăm khám trực tiếp xem bạn có mắc các bệnh lý nội khoa nặng khác như suy tim, suy thận, suy gan, thiếu máu mãn tính,...

Như vậy, mỗi lần hiến máu bạn sẽ có cơ hội khám tổng quát miễn phí, bên cạnh đó cũng giúp bạn sớm phát hiện một số bệnh lý nếu có như bệnh tim mạch, tăng huyết áp,...

2. Cải thiện sức khỏe tim mạch

Hiến máu  có thể giúp bạn kiểm soát được hàm lượng sắt trong cơ thể. Lượng sắt dư thừa có thể gây tổn thương oxi hóa, đây chính là nguyên nhân gây tổn thương mô. Vì vậy, hiến máu không những giúp kiểm soát được hàm lượng sắt trong cơ thể mà còn giảm nguy cơ gây ra các bệnh về tim. 

3. Tạo cảm giác hài lòng

Hiến máu nhân đạo đem lại cho bạn cảm giác hài lòng vì bạn nghĩ rằng bạn có thể cứu giúp tính mạng của ai đó. Bên cạnh đó, bạn sẽ được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện của Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo Tỉnh. Ngoài giá trị tôn vinh, giấy chứng nhận hiến máu còn có giá trị bồi hoàn lại máu. Nếu bạn đã từng tham gia hiến máu, không may bạn cần đến máu thì Nhà nước sẽ đảm bảo bồi hoàn miễn phí cho bạn đúng số máu mà bạn đã hiến.

II. Điều kiện hiến máu

Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 26/2013/TT - BYT có quy định tiêu chuẩn về người hiến máu. Người đủ điều kiện hiến máu là người đủ tiêu chuẩn về tuổi, sức khỏe và các điều kiện khác, cụ thể như sau:

1. Độ tuổi

Theo quy định, độ tuổi đủ tiêu chuẩn tham gia hiến máu là từ 18 tuổi trở lên. Bạn không được hiến máu nếu chưa đủ 18 tuổi. Khi đi hiến máu, bạn cần xuất trình chứng minh thư hoặc thẻ căn cước công dân để xác định số tuổi. Kể cả thiếu vài ngày, đội ngũ y bác sĩ cũng không đồng ý cho bạn hiến máu dù đây là nghĩa cử cao đẹp.

Bộ Y tế cũng giới hạn độ tuổi hiến máu không quá 60 tuổi. Sau 60 tuổi, sức khỏe có nhiều suy giảm, không tốt đối với việc cho máu, phục hồi sau hiến máu.

2. Sức khỏe

Phụ nữ cần có cân nặng ít nhất 42kg và 45kg đối với nam giới sẽ được phép hiến máu toàn phần; người có cân nặng từ 42kg đến dưới 45kg được phép hiến máu không quá 250ml máu toàn phần; người có cân nặng 45kg trở lên được phép hiến máu toàn phần không quá 9ml/kg và không quá 500 ml mỗi lần hiến.

Người hiến máu không mắc các bệnh mạn tính hoặc cấp tính về thần kinh, hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, gan mật, nội tiết, máu và tổ chức tạo máu, bệnh tự miễn, tình trạng dị ứng nặng. 

Bệnh cạnh đó điều kiện và tiêu chuẩn hiến máu đối với phụ nữ còn là không mang thai hoặc không nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi vào thời điểm đăng ký hiến máu. Không có tiền sử lấy, hiến, ghép bộ phận cơ thể người. Không nghiện rượu, ma túy, không mắc các bệnh lây truyền qua đường máu, các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại thời điểm đăng ký hiến máu.

Lâm sàng:

  • Tỉnh táo và tiếp xúc tốt
  • Nhịp tim đều trong tần số khoảng từ 60 đến 90 lần/phút
  • Huyết áp tâm thu trong khoảng từ 100 đến dưới mmHg và tâm trương trong khoảng từ 60 đến 100 mmHg
  • Không có một trong các biểu hiện sau: gầy, sút cân nhanh, da danh, hoa mắt chóng mặt, hạch to xuất hiện nhiều nơi, sốt, ho, khó thở, tiêu chảy, xuất huyết các loại, có các tổn thương hoặc dấu hiệu bất thường trên da.

Như vậy, theo quy định như trên, người hiến máu phải có đủ tiêu chuẩn hiến máu về tuổi tác và sức khỏe như trên mới có thể hiến máu.

Người hiến máu là người đủ tiêu chuẩn về tuổi và sức khỏe - Nguồn: Canva

Người hiến máu là người đủ tiêu chuẩn về tuổi và sức khỏe - Nguồn: Canva

III. 05 điều cần chú ý trước khi hiến máu

Ngoài những lưu ý nêu trên, bạn cũng cần chuẩn bị một số điều kiện hiến máu về sức khỏe cá nhân sau:

  • Ngủ đủ giấc và không thức khuya.
  • Uống nước và các loại thức uống không chứa cồn.
  • Duy trì hàm lượng chất sắt trong cơ thể bằng cách nạp nhiều thực phẩm nhiều chất sắt như thịt đỏ, cá, các loại hạt, ngũ cốc,...
  • Nếu gặp phải một số vấn đề về sức khỏe như cảm lạnh, cảm cúm trong tuần trước khi hiến máu thì bạn không nên hiến máu.
  • Nên ăn một bữa đầy dinh dưỡng trước khi đi. Tuy nhiên không nên nạp những thức ăn đầy chất béo như thức ăn nhanh, đồ chiên, kem,...

Nếu đã đủ điều kiện hiến máu thì vào ngày đi hiến bạn nên mặc đồ thoải mái với áo ngắn tay hoặc áo dễ dàng xắn lên. Ngoài ra, bạn cũng nên ghi chú lại các loại thuốc bạn đang uống để điền vào phiếu thông tin tại nơi hiến máu.

Mặc quần áo thoải mái để dễ dàng xắn lên - Nguồn: Canva

Mặc quần áo thoải mái để dễ dàng xắn lên - Nguồn: Canva

IV. Sau khi hiến máu cần làm gì?

Sau khi đã đủ điều kiện hiến máu và đi hiến máu, bạn cần có thời gian nghỉ ngơi và tránh lao động nặng trong ngày. Nếu xuất hiện các triệu chứng như choáng váng, đau đầu, buồn nôn bạn nên liên hệ với bác sĩ tại nơi hiến máu để được tư vấn và chăm sóc kỹ lưỡng hơn. Cụ thể, bạn cần làm những việc dưới đây:

  • Uống nhiều nước và tránh các thức uống có cồn trong suốt 24 giờ sau khi hiến máu
  • Vệ sinh vùng da xung quanh bằng xà phòng và nước sạch để tránh viêm nhiễm da tại vùng lấy máu
  • Hạn chế các hoạt động bưng bê nặng hoặc các bài tập với cường độ cao
  • Nếu cảm thấy chóng mặt hoặc đau đầu, ngồi im hoặc nằm xuống cho đến khi bạn thấy khỏe hơn
  • Tránh tiếp xúc với nhiệt độ quá cao như tắm nước nóng, uống nước nóng trong vòng 6 giờ sau đó

Hiến máu là một hành động nhân đạo mà mỗi chúng ta đều nên làm. Không chỉ mang lại nguồn sống cho người nhận mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng nên tìm hiểu kỹ về điều kiện hiến máu để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người mà bạn sẽ giúp đỡ nhé. Chúc bạn thành công!

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan