Quay lạiQuay lại

Mẹ bầu bị sảy thai: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh

25/10/2022

Share

Nội dung chính

1. Bị sảy thai là gì? Có mấy loại sảy thai?
Dọa sảy thai
Sảy thai khó tránh
Sảy thai không hoàn toàn
Sảy thai nhiễm khuẩn
Sảy thai liên tiếp
2. Các nguyên nhân dẫn đến sảy thai
Thai có bất thường về nhiễm sắc thể
Rối loạn nội tiết ở người mẹ
Bất thường trong cấu trúc tử cung
Thiếu hụt dinh dưỡng và yếu tố môi trường
Yếu tố miễn dịch
3. Triệu chứng thường gặp khi bị sảy thai
4. 04 lời khuyên giúp mẹ bầu phòng tránh bị sảy thai
Mang thai ở độ tuổi lý tưởng
Có chế độ dinh dưỡng phù hợp
Xây dựng lối sống lành mạnh
Tiến hành kiểm tra, sàng lọc sức khỏe tiền sản

Sảy thai là một biến chứng thai sản tương đối phổ biến, chiếm khoảng 10 - 12% tổng số ca mang thai. Đây là điều mà bất cứ bà mẹ nào cũng e sợ. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sảy thai? Bị sảy thai có triệu chứng gì? Cách phòng tránh như thế nào? Bài viết hôm nay của Papaya Insurtech sẽ giúp bạn lý giải những thắc mắc trên.

Mẹ bầu bị sảy thai như thế nào?

Mẹ bầu bị sảy thai như thế nào?

1. Bị sảy thai là gì? Có mấy loại sảy thai?

Sảy thai là biến chứng thai sản xảy ra khi thai bị tống xuất khỏi tử cung, chấm dứt thai kỳ trước khi thai nhi có thể sống độc lập với cơ thể người mẹ. Thông thường sảy thai diễn ra khi thai nhi dưới 20 tuần tuổi, trong đó có 80% bị sảy thai ở 3 tháng đầu.

Có nhiều cách phân loại sảy thai. Nếu dựa vào thời gian bị sảy, người ta chia làm 2 loại:

  • Sảy thai sớm: Bị sảy thai khi thai kỳ trước 12 tuần tuổi.
  • Sảy thai muộn: Bị sảy thai khi thai kỳ từ 12 - 20 tuần tuổi.

Nếu dựa vào hình thái lâm sàng khi sảy thai có thể chia sảy thai thành 5 loại:

Dọa sảy thai

Người mẹ bị xuất huyết âm đạo khi thai kỳ dưới 20 tuần tuổi nhưng không đi kèm hiện tượng giãn mở cổ tử cung. Triệu chứng này có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần lễ. Có đến hơn 50% số ca kể trên sẽ dẫn đến sảy thai tự nhiên, phần còn lại thường có nguy cơ cao bị sinh non, nhẹ cân,...

Sảy thai khó tránh

Người mẹ bị xuất huyết âm đạo, rỉ ối, vỡ ối kết hợp với giãn mở cổ tử cung. Đây là trường hợp sảy thai khó tránh được, nên lấy thai ra ngoài.

Sảy thai không hoàn toàn

Đây là trường hợp sảy thai mà chỉ một phần phôi thai được tống ra ngoài, phần còn lại vẫn sót trong tử cung. Người mẹ thường bị chảy máu nhiều, cần có can thiệp nạo/hút để lấy sạch phần còn lại của thai ra ngoài.

Sảy thai nhiễm khuẩn

Đây là tình trạng nhiễm trùng tử cung ở người mẹ bị sảy thai do vi khuẩn xâm nhập gây ra. Hiện tượng này có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng nội mạc, viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu,... tiềm ẩn nguy cơ gây tử vong cho người mẹ.

Sảy thai liên tiếp

Là hiện tượng người mẹ bị sảy thai tự nhiên từ 2 hoặc 3 lần liên tục trở lên (tùy thuộc vào định nghĩa ở từng quốc gia). 

2. Các nguyên nhân dẫn đến sảy thai

Người mẹ bị sảy thai có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Thai có bất thường về nhiễm sắc thể

Thai nhi bị rối loạn nhiễm sắc thể sẽ dẫn đến sự phát triển bất thường của hợp tử, phôi thai và nhau. Đây chính là lý do khiến thai nhi không thể tiếp tục lớn lên bình thường và bị tống xuất ra ngoài. 

Có 95% trường hợp thai bất thường nhiễm sắc thể xuất phát từ lỗi tổ hợp gen của người mẹ, 5% còn lại từ bố. Các lỗi tổ hợp gen này thường không ảnh hưởng hay biểu hiện kiểu hình lên sức khỏe của bố hoặc mẹ, nhưng khi kết hợp để tạo bộ nhiễm sắc thể của con thì lại gây ra các dạng bất thường như tam nhiễm, đơn nhiễm, đơn bội, đa bội,... khiến thai nhi không thể tồn tại được.

Bất thường nhiễm sắc thể là nguyên nhân dẫn đến sảy thai

Bất thường nhiễm sắc thể là nguyên nhân dẫn đến sảy thai

Rối loạn nội tiết ở người mẹ

Các bệnh liên quan đến rối loạn nội tiết như suy giáp (do thiếu hụt Thyroid vì suy giảm miễn dịch) hoặc tiểu đường (thường là tiểu đường tuýp 2) làm gia tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, thai lưu ở người mẹ.

Bất thường trong cấu trúc tử cung

Nguy cơ bị sảy thai sẽ tăng lên đáng kể khi tử cung người mẹ có những bất thường trong cấu trúc như:

  • U xơ tử cung
  • Đa nhân xơ tử cung
  • Dính buồng tử cung
  • Dị tật tử cung bẩm sinh

Thiếu hụt dinh dưỡng và yếu tố môi trường

Người mẹ bị thiếu hụt dưỡng chất cũng có nguy cơ bị sảy thai, tuy nhiên tỷ lệ này không cao. Bên cạnh đó, việc nghiện rượu, lạm dụng caffein hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá, chất phóng xạ, hóa chất độc hại,... cũng được ghi nhận là nguyên nhân góp phần dẫn đến tình trạng sảy thai của người mẹ.

Yếu tố miễn dịch

Hệ thống miễn dịch của con người đóng vai trò như hàng rào bảo vệ. Tuy nhiên, một khi hệ thống này bị rối loạn hoặc có sự sai khác, chúng sẽ xem thai nhi như một phần tử lạ trong cơ thể, từ đó tìm cách đào thải nó ra ngoài bằng việc tạo ra các kháng thể phospholipid hoặc kháng thể kháng tế bào nuôi.

3. Triệu chứng thường gặp khi bị sảy thai

Tùy vào thời điểm và hình thái sảy thai mà người mẹ có thể gặp các triệu chứng như sau: 

  • Chảy máu âm đạo
  • Dịch âm đạo tiết bất thường (có đốm hồng, mùi hôi, dịch tiết nhiều)
  • Đau bụng dưới, đau lưng
  • Bị chuột rút
  • Mất dấu hiệu thai nghén
  • Thử thai âm tính

Khi có xuất hiện các triệu chứng kể trên, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời, từ đó có hướng giải quyết phù hợp.

4. 04 lời khuyên giúp mẹ bầu phòng tránh bị sảy thai

Để phòng tránh bị sảy thai, người mẹ có thể tham khảo những lời khuyên sau:

Mang thai ở độ tuổi lý tưởng

Ở phụ nữ, độ tuổi lý tưởng cho việc mang thai là từ 20 - 30 tuổi. Trong giai đoạn này, cơ thể người mẹ có khả năng thụ thai cao, sức khỏe thể chất và tinh thần đảm bảo tốt cho việc mang thai và sinh con. 

Khi tuổi người mẹ càng lớn, tỷ lệ thụ thai càng giảm, bên cạnh đó nguy cơ bị sảy thai càng tăng lên. Phụ nữ trên 45 tuổi có tỷ lệ sảy thai hoặc thai nhi bị bất thường lên đến 75%. Do đó việc mang thai trong độ tuổi lý tưởng là rất quan trọng.

Có chế độ dinh dưỡng phù hợp

Xây dựng và duy trì một chế độ ăn uống phù hợp giúp người mẹ đảm bảo sức khỏe tốt cho việc mang thai, hạn chế nguy cơ bị sảy thai do các bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng như béo phì, đái tháo đường,... 

Người mẹ nên bổ sung đầy đủ và cân bằng tất cả các nhóm dưỡng chất, lựa chọn thực phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, tăng cường rau xanh, hoa quả, hạn chế chất béo, dầu mỡ, bia rượu, chất kích thích.

Xây dựng lối sống lành mạnh

Việc duy trì luyện tập thể dục, vận động phù hợp như tập yoga, đi bộ, bơi lội,... giúp người mẹ có một sức khỏe thể chất tốt. Bên cạnh đó, ngủ đủ giấc, giữ tin thần thoải mái cùng đời sống tình dục lành mạnh là những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thai kỳ khỏe mạnh, hạn chế tỷ lệ bị sảy thai.

Tiến hành kiểm tra, sàng lọc sức khỏe tiền sản

Khi có kế hoạch mang thai, các cặp vợ chồng nên tiến hành kiểm tra, khám sức khỏe tiền sản đối với cả vợ và chồng nhằm sàng lọc các bệnh lý hoặc yếu tố có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Đây là phương pháp hữu hiệu nhất trong việc xác định sớm nguyên nhân và hạn chế tối đa tỷ lệ bị sảy thai.

Thời điểm thích hợp để tiến hành khám sức khỏe tiền sản là 6 tháng trước khi dự định mang thai. Đây là khoảng thời gian cần thiết để các cặp vợ chồng có sự chuẩn bị hoặc được điều trị khi phát hiện bất thường có ảnh hưởng đến thai nhi.

Các cặp vợ chồng nên khám sàng lọc sức khỏe tiền sản để giảm tỷ lệ bị sảy thai

Các cặp vợ chồng nên khám sàng lọc sức khỏe tiền sản để giảm tỷ lệ bị sảy thai

Mang thai là một hành trình vất vả nhưng đầy thiêng liêng. Để hành trình này được trọn vẹn, các ông bố bà mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, trong đó bao gồm cả việc dự phòng bị sảy thai. Đây là biến cố thai sản có thể xảy ra với bất kỳ ai, do đó nắm vững những thông tin về dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng tránh sảy thai giúp bạn có hướng xử trí phù hợp khi rơi vào hoàn cảnh này.

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan