Quay lạiQuay lại

Mức đóng bắt buộc bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2023

9/0/2023

Share

Nội dung chính

I. Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là gì? 
II . Mức đóng BHXH cho Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định thế nào?
III. Điều kiện và mức hưởng chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp
1. Điều kiện hưởng chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp
2. Mức hưởng của người lao động mắc bệnh nghề nghiệp
Trợ cấp một lần
Trợ cấp hàng tháng
Tạm kết

Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thuộc quỹ bảo hiểm xã hội do Nhà nước quản lý nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động khi không may có sự kiện tại nạn lao động xảy ra hoặc bệnh nghề nghiệp. Thế nhưng, mức đóng BHXH cho Quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp hiện nay quy định cho doanh nghiệp là bao nhiêu? Điều kiện và mức hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN cho người lao động thế nào? Để cùng tìm hiểu về các vấn đề này, mời bạn cùng Papaya theo dõi trong bài viết sau đây nhé.

Mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp của người lao động là bao nhiêu? (Nguồn: Canva)

Mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp của người lao động là bao nhiêu? (Nguồn: Canva)

I. Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là gì? 

Qũy bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một thành phần của Qũy bảo hiểm xã hội dùng để chi trả chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) cho người lao động. 

Theo Điều 42 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả những khoản như sau:

  • Trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng
  •  Trả phí khám giám định đối với trường hợp người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động theo quy định
  • Chi trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ.
  • Chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
  • Chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
  • Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc.
  • Chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
  • Chi đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.

II . Mức đóng BHXH cho Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định thế nào?

Nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhờ khoản đóng thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ và các nguồn thu hợp pháp khác.

Người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên (không bao gồm người giúp việc gia đình). 

Hiện nay, theo Nghị định 58/2020/NĐ-CP quy định về mức đóng Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động cần đóng cho người lao động mỗi tháng với: 

  • Mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
  • Mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH được áp dụng đối với những doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi đạt đủ điều kiện, có văn bản yêu cầu được Bộ Lao động - Thương binh và xã hội chấp thuận.

III. Điều kiện và mức hưởng chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp

1. Điều kiện hưởng chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp

Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Để hưởng chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp, người lao động cần phải đáp ứng các yêu cầu như sau (quy định tại Điều 46 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015):

  • Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, bao gồm 34 bệnh được quy định cụ thể tại Điều 3 Thông tư 15/2016/TT-BYT.
  • Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp.

2. Mức hưởng của người lao động mắc bệnh nghề nghiệp

Theo đó, khi người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp thì mức hưởng có thể được chi trả bằng hai cách sau, căn cứ trên mức độ suy giảm khả năng lao động của người lao động.

Trợ cấp một lần

Về quy định Trợ cấp một lần dành cho những đối tượng người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% - 30% (Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015)

Mức trợ cấp một lần được hướng dẫn chi tiết tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH:

Mức trợ cấp một lần = Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động + Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trong đó:

  • Nếu suy giảm 5% khả năng lao động được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
  • Ngoài mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động, người lao động còn được hưởng trợ cấp tính theo số năm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp. Nếu người lao động tham gia từ 01 năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng. Sau đó, cứ đóng thêm mỗi năm được tính thêm 0,3 tiền lương tháng đóng vào quỹ TNLĐ - BNN của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp.

Ví dụ minh họa:

Ông A được giám định suy giảm khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp là 20% và ông A có 10 năm đóng BHXH, mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tháng 3 năm 2023 là 7 triệu đồng. Mức lương cơ sở tại tháng hưởng là 1,49 triệu đồng.

  • Mức trợ cấp được tính theo mức suy giảm khả năng lao động = 5 x Mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng + (Mức suy giảm khả năng lao động - 5) x 0,5 x Mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng

--> (1) Mức trợ cấp được tính theo mức suy giảm khả năng lao động của ông A là: 5x1,49 + (20 - 5)x0,5x1,49 = 18,6 triệu đồng

  • Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp = 0,5 x Mức tiền lương đóng Quỹ bảo hiểm TNLĐBNN + (tổng số năm đóng bảo hiểm TNLĐBNN - 1) x 0,3 x Mức tiền lương đóng Quỹ bảo hiểm TNLĐBNN

--> (2) Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp của ông A là: 0,5x7 + (10-1)x0,3x7 = 22,4 triệu đồng.

--> (3) Mức trợ cấp một lần ông A nhận được là: 18,625 + 22,4 = 41 triệu đồng.

Trợ cấp hàng tháng

Trợ cấp hàng tháng cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên. (Nguồn: Canva)

Trợ cấp hàng tháng cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên. (Nguồn: Canva)

Đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng là người lao động bị bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên.

Về quy định trợ cấp hàng tháng được hướng dẫn chi tiết tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH như sau:

Mức trợ cấp hàng tháng = Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động + Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trong đó:

  • Người bị suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở. Sau đó, cứ giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
  • Ngoài ra, mức trợ cấp hàng tháng còn được tính thêm một khoản dựa trên số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động. Cụ thể, nếu đóng từ 1 năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ mỗi năm đóng thêm vào quỹ được cộng thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp.

Tạm kết

Như vậy, quy định về mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp là quy định bắt buộc với người lao động phải đóng cho nhân viên có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Việc tham gia vào quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp vừa là “lá chắn” có thể bảo vệ cho người lao động trước rủi ro.

Đồng thời, về phía người sử dụng lao động tham gia đóng quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp cũng góp phần giảm bớt trách nhiệm bồi thường cho người lao động khi có sự cố xảy ra và có thể tránh được những vụ kiện gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của doanh nghiệp.

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan