Quay lạiQuay lại

Quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu tối đa

17/0/2023

Share

Nội dung chính

I. Mức hưởng lương hưu tối đa là bao nhiêu?
II. Quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội là bao lâu để nhận lương hưu tối đa?
1. Đối với lao động nữ
2. Đối với lao động nam
3. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu
Tạm kết

Lương hưu là khoản tiền được trả cho người lao động định kỳ lúc họ không còn đủ khả năng lao động. Vì thế, đây cũng là mục đích được quan tâm hàng đầu của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội. Tiền lương hưu càng nhiều thì cuộc sống khi về già càng an nhàn, giảm bớt lo âu, phiền muộn. Tuy nhiên, để nhận được lương hưu ở mức cao nhất thì người lao động cần tuân theo quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội là bao lâu? Muốn tìm hiểu về vấn đề này, mời bạn cùng Papaya tham khảo trong bài viết sau đây.

Bảo hiểm xã hội đóng bao nhiêu năm thì người lao động được hưởng lương hưu tối đa.

Bảo hiểm xã hội đóng bao nhiêu năm thì người lao động được hưởng lương hưu tối đa.

I. Mức hưởng lương hưu tối đa là bao nhiêu?

Mức hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động được xác định theo công thức chung dưới đây:

Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH

Trong đó:

  • Tỷ lệ lương hưu sẽ được tính dựa trên số năm đóng bảo hiểm xã hội của người lao động nhưng mức tối đa chỉ là 75%.
  • Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH sẽ phụ thuộc vào tiền lương hoặc thu nhập đóng BHXH hằng tháng của người lao động và có nhân với hệ số trượt giá tương ứng.

Tóm lại, mức hưởng lương hưu của người lao động không những phụ thuộc vào số tiền tham gia hằng tháng của họ mà còn ảnh hưởng bởi thời gian đóng BHXH. Tuy nhiên, mức lương hưu cao nhất mà người lao động được hưởng không vượt quá 75% mức bình quân tiền lương/thu nhập của tháng đóng BHXH đã điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng.

II. Quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội là bao lâu để nhận lương hưu tối đa?

Như vậy, để nhận được mức lương hưu tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH người lao động cần đóng đủ theo quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới đây:

1. Đối với lao động nữ

Dựa theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP và Khoản 2 Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, tỷ lệ hưởng lương hưu theo số năm đóng BHXH của lao động nữ như sau:

Lao động nữ nghỉ hưu từ 01/01/2018 trở đi thì tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ mỗi năm người lao động đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 2% cho đến mức tối đa bằng 75%.

Do vậy, theo quy định này, để đạt mức hưởng tối đa bằng 75% thì người lao động nữ cần phải tham gia bảo hiểm xã hội với số năm bằng:

Số năm tham gia tối thiểu = 15 năm + (75% - 45%)/2% = 30 năm.

Theo đó, lao động nữ phải đóng ít nhất 30 năm bảo hiểm xã hội để hưởng mức lương hưu tối đa.

2. Đối với lao động nam

Số năm đóng bảo hiểm xã hội của lao động nam.

Số năm đóng bảo hiểm xã hội của lao động nam.

Dựa trên những quy định tại các nghị định trên, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng cũng bằng 45% tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 20 năm khi nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi. Tương tự như trên, với mỗi năm đóng BHXH tăng thêm thì lao động nam cũng được cộng thêm tương ứng 2% cho đến mức tối đa là 75%.

Từ quy định này, ta có thể tính được thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu của lao động nam để hưởng được mức lương hưu tối đa là:

Số năm tham gia tối thiểu = 20 năm + (75% - 45%)/2% = 35 năm.

Như vậy, lao động nam cần phải đóng ít nhất 35 năm bảo hiểm xã hội để hưởng mức lương hưu tối đa là 75% khi về già.

3. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

Ngoài ra, khi người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội với thời gian cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% (30 năm đối với nữ, 35 năm đối với nam), ngoài lương hưu người lao động còn nhận được trợ cấp một lần (Khoản 1 Điều 58 Luật bảo hiểm xã hội 2014).

Số tiền này được tính theo nguyên tắc: cứ mỗi năm đóng thêm được tính trợ cấp bằng 0,5 lần mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

  • Đối với nam

Mức trợ cấp = (tổng số năm đóng BHXH - 35) x 0,5 x mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

  • Đối với nữ

Mức trợ cấp = (tổng số năm đóng BHXH - 30) x 0,5 x mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Ví dụ minh hoạ:

Cách tính mức hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu dành cho người lao động.

Cách tính mức hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu dành cho người lao động.

Ông Nguyễn Văn A dự định nghỉ hưu năm 2023 và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tổng cộng là 30 năm với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là 6 triệu đồng/tháng. Lúc này, ông A sẽ được hưởng mức lương hưu định kỳ hằng tháng là bao nhiêu và ông A có được nhận thêm trợ cấp ngoài lương hưu không?

Giải đáp: Theo quy định trên, để hưởng được tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% người lao động nam cần tham gia bảo hiểm xã hội với số năm tối thiểu là 35 năm. Tuy nhiên, ông A chỉ tham gia 30 năm bảo hiểm xã hội. Do đó, ông không được hưởng mức tối đa và đồng thời cũng không có khoản trợ cấp cho thời gian đóng vượt quá mức hưởng 75% (đóng nhiều hơn 35 năm).

Ta có thể tính tiền lương hưu hàng tháng của ông A: 6 x [45% + (30-20) x 2%] = 3,3 triệu đồng/tháng.

Tạm kết

Trên đây Papaya đã thông tin đến bạn về quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu cho cả lao động nam và nữ để hưởng được tiền lương hưu tối đa. Cụ thể, người lao động nữ cần phải tham gia bảo hiểm xã hội với số năm tối thiểu là 30 năm và lao động nam phải tham gia với số năm tối thiểu là 35 năm để hưởng được mức lương hưu tối đa là 75%. Với một số trường hợp người tham gia có số năm vượt qua thời gian trên thì sẽ được nhận thêm một khoản trợ cấp tương ứng theo số năm đóng bảo hiểm xã hội của từng người.

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan