Quay lạiQuay lại

Người bị chó dại cắn bao lâu thì tiêm phòng để an toàn?

26/3/2023

Share

Nội dung chính

Bệnh dại là gì, có nguy hiểm không?
Làm thế nào để biết chó mắc bệnh dại?
Người mắc bệnh dại có biểu hiện như thế nào?
Thể cuồng
Thể liệt
Người bị chó dại cắn bao lâu thì tiêm phòng để đảm bảo an toàn?
04 biện pháp giúp phòng tránh bệnh dại do chó cắn

Khi không may bị chó cắn, nhiều người thường nảy sinh tâm lý lo lắng, sợ hãi không biết mình có nguy cơ mắc bệnh dại hay không. Trong tình huống này việc bình tĩnh xử lý và điều trị đúng phác đồ sẽ giúp bạn an toàn. Trong đó, điều quan trọng nhất là bạn cần phải tiêm vaccine phòng bệnh dại kịp thời, đúng lúc. Vậy người bị chó dại cắn bao lâu thì tiêm phòng để đảm bảo an toàn? Hãy cùng Papaya đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây các bạn nhé!

Bệnh dại là gì, có nguy hiểm không?

Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương lây từ động vật sang người qua chất tiết là nước bọt. Hầu hết các trường hợp bị phơi nhiễm bệnh dại thông qua vết cắn hoặc vết liếm trên vết thương hở. Nguồn truyền bệnh chủ yếu là các loài động vật máu nóng có vú, trong đó phổ biến nhất chính là chó. 

Virus dại có tên khoa học là Rhabdovirus thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus. Đây là chủng virus rất nguy hiểm bởi một khi bị nhiễm và lên cơn dại thì dù là người hay động vật đều có kết cục tử vong. Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới WHO, mỗi năm trên thế giới có từ 60.000 - 70.000 người chết vì bệnh dại, trong đó tập trung nhiều nhất ở các nước nhiệt đới. Tại khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ chết vì bệnh dại chiếm 80% trên toàn thế giới, trong đó tỷ lệ mắc có xu hướng tăng lên ở các nước, trong đó có Việt Nam. 

Làm thế nào để biết chó mắc bệnh dại?

Chó mắc bệnh dại thường mang nhiều dấu hiệu đặc trưng khác hẳn chó bình thường. Do đó, bạn cần thường xuyên dõi biểu hiện của vật nuôi, đặc biệt là sau khi bị cắn bởi những triệu chứng bệnh có xu hướng bộc phát mạnh vào thời điểm này. Chó dại có 2 thể chủ yếu là thể điên cuồng và thể câm.

Chó dại thể điên cuồng thường mang các đặc điểm như sau:

  • Dễ bị kích động, thường xuyên cắn sủa dữ dội, ngay khi có tiếng động nhỏ cũng nhảy lên sủa từng hồi dài.
  • Chó có biểu hiện bỏ ăn, thân nhiệt cao, mắt đỏ ngầu, đồng tử giãn.
  • Chó chảy dãi nhiều,sùi bọt mép, khát nước nhưng không uống được.
  • Bên ngoài bộc lộ sự bồn chồn, sợ sệt, đi lang thang vô định, trở nên hung dữ.

Chó mắc bệnh dại thể câm thường mang các đặc điểm như sau:

  • Chó có biểu hiện ủ rũ, buồn rầu, có thể bị bại liệt 1 phần cơ thể.
  • Mồm luôn hé mở, hàm trễ xuống, lưỡi thè ra ngoài, nước dãi chảy nhiều.
  • Chó không cắn hay sủa được mà chỉ gầm gừ trong họng.
  • Chó mắc thể dại này thường chết sau một vài ngày biểu hiện bệnh.
Chó mắc bệnh dại có nhiều biểu hiện bất thường

Chó mắc bệnh dại có nhiều biểu hiện bất thường

Người mắc bệnh dại có biểu hiện như thế nào?

Người nhiễm virus dại có thời gian ủ bệnh từ 1 - 3 tháng, nhưng trong một số trường hợp có thể kéo dài đến 1 năm. Điều này phụ thuộc vào nơi virus xâm nhập gần hay xa hệ thần kinh trung ương cũng như lượng virus đi vào cơ thể nhiều hay ít. Bệnh bộc phát với các triệu chứng ban đầu như sốt cao, cảm giác ngứa ran, châm chích, nóng rát không rõ nguyên nhân tại vết thương. Sau đó, virus sẽ lan rộng và tấn công lên hệ thần kinh trung ương gây viêm tiến triển ở não và tủy sống, kết cục khiến người bệnh tử vong.

Người mắc bệnh dại được chia thành 2 thể, gồm:

Thể cuồng

Người mắc bệnh dại thể cuồng thường có biểu hiện kích động, hung dữ. Người bệnh sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng và tiếng động. Ngoài ra, người mắc dại thể cuồng còn bị rối loạn hệ thần kinh thực vật dẫn đến vã nhiều mồ hôi, tăng huyết áp, tiết nhiều nước bọt. Bệnh nhân có thể tử vong sau một vài ngày phát bệnh do bị ngưng tim, ngưng hô hấp.

Thể liệt

Tỷ lệ người mắc bệnh dại thể liệt chiếm khoảng 30% tổng số ca bị bệnh dại. Các dấu hiệu tiến triển từ từ và kéo dài hơn so với thể cuồng. Xuất phát từ các biểu hiện tại chỗ ở vết thương, bệnh dần lan tỏa tấn công gây tê liệt các cơ, sau đó người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong.  

Người bị chó dại cắn bao lâu thì tiêm phòng để đảm bảo an toàn?

Hiện nay, biện pháp hiệu quả nhất để xử trí và điều trị bệnh dại đó chính là tiêm vaccine phòng dại ngay sau khi bị chó, mèo hoặc động vật cắn. Theo các chuyên gia, việc tiêm phòng cần được thực hiện càng sớm càng tốt, bởi một khi virus dại tấn công đến hệ thần kinh trung ương thì việc tiêm vaccine không còn có tác dụng nữa.

Tiêm phòng trong vòng 6 giờ sau khi bị chó cắn được gọi là tiêm phòng sớm, ngược lại tiêm phòng sau 6 giờ được gọi là tiêm phòng muộn. Phác đồ tiêm phòng được quyết định dựa vào tình trạng vết thương nông hay sâu, là vết cắn hay chỉ là vết trầy xước, vị trí vết thương có ở những vùng nguy hiểm như đầu, cổ, mặt,... hay không. Tốt hơn hết, sau khi bị chó cắn bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và nhận sự điều trị phù hợp nhất.

Ngoài ra, việc xử lý vết thương do chó cắn cũng cần được thực hiện đúng cách. Bạn nên vệ sinh vết thương bằng cồn hoặc nước muối loãng, giữ cho vùng da này sạch sẽ, khô ráo, tránh tiếp xúc với bụi bẩn, ô nhiễm làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Người bị chó dại cắn cần đi tiêm phòng càng sớm càng tốt

Người bị chó dại cắn cần đi tiêm phòng càng sớm càng tốt

04 biện pháp giúp phòng tránh bệnh dại do chó cắn

Bạn có thể chủ động phòng tránh bệnh dại bằng những biện pháp sau:

  • Chủ động tiêm phòng dại định kỳ đầy đủ cho vật nuôi của mình.
  • Đeo rọ mõm khi dẫn chó đến những nơi công cộng.
  • Khi không may bị chó cắn, bạn cần chủ động đi tiêm phòng, không nên tin vào các phương thuốc dân gian truyền miệng như đắp tỏi, củ kiệu, ớt xay,... hoặc các bài thuốc không rõ nguồn gốc.
  • Đối tượng thường xuyên tiếp xúc với động vật như nhân viên thú ý, kiểm lâm,... cần chủ động tạo miễn dịch bằng vắc xin dại tế bào có hiệu lực bảo vệ cao và tiêm nhắc lại theo chỉ định của y tế.

Hy vọng rằng, những thông tin hữu ích mà Papaya cung cấp đã giúp bạn đọc hiểu rõ về bệnh dại cũng như bị chó dại cắn bao lâu thì tiêm phòng để đảm bảo an toàn. Đây là kiến thức rất quan trọng giúp bạn có sự xử trí nhanh và chính xác khi không may bị chó tấn công. 

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan