Quay lạiQuay lại

3 nguyên tắc giúp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả

27/2/2023

Share

Nội dung chính

Sốt xuất huyết là gì?
Tại sao sốt xuất huyết có thể gây nguy hiểm?
3 nguyên tắc giúp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả
Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, loăng quăng, bọ gậy
Phòng chống muỗi đốt
Tích cực phối hợp với địa phương trong các đợt phun hóa chất phòng dịch

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm phổ biến có tỷ lệ mắc và lây lan cao. Nếu không chủ động phòng ngừa và điều trị, người mắc sốt xuất huyết có thể phải đối mặt với một số biến chứng nguy hiểm. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Papaya tìm hiểu 3 nguyên tắc giúp phòng bệnh sốt xuất huyết đơn giản, hiệu quả mà bạn và gia đình có thể áp dụng

Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus gây ra, dễ lây lan rộng thông qua vật truyền bệnh là muỗi vằn. Có nhiều chủng virus gây sốt xuất huyết khác nhau nhưng phổ biến nhất và cũng nguy hiểm nhất là virus Dengue, hay còn gọi là bệnh sốt xuất huyết Dengue. Bệnh thường bùng phát thành các đợt dịch vào mùa mưa ẩm từ tháng 7 đến tháng 11, do đây là thời điểm thuận lợi cho sự sinh nở và phát triển của muỗi vằn. 

Muỗi là tác nhân chính gây bệnh sốt xuất huyết (Nguồn: Canva)

Muỗi là tác nhân chính gây bệnh sốt xuất huyết (Nguồn: Canva)

Tại sao sốt xuất huyết có thể gây nguy hiểm?

Đa số các ca mắc sốt xuất huyết đều có khả năng hồi phục hoàn toàn sau 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp tiến triển nặng và gặp các biến chứng nguy hiểm. Nguyên nhân là vì virus tấn công khiến hệ miễn dịch của người bệnh bị suy yếu, số lượng bạch cầu và tiểu cầu giảm đi đáng kể. Lúc này, mặc dù tình trạng sốt có thể được cải thiện nhưng bắt đầu có biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch. Thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn khiến bệnh nhân vật vã, li bì, huyết áp hạ, tiểu ít, mạch yếu. Bên cạnh đó, nguy cơ tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng cũng tăng lên. Các biến chứng nguy hiểm khác đi kèm như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết ổ bụng, nội tạng,... sẽ khiến cho sức khỏe người bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch.

Với tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến ngày càng phức tạp trong những năm gần đây, tốt hơn hết bạn cần trang bị cho mình ý thức và kỹ năng phòng bệnh. Điều này sẽ giúp giảm thiểu đáng kể các mối nguy hại do sốt xuất huyết gây ra.

3 nguyên tắc giúp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả

Để thực hiện phòng bệnh sốt xuất huyết, bạn nên tuân thủ 3 nguyên tắc sau:

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, loăng quăng, bọ gậy

Loăng quăng, bọ gậy là dạng ấu trùng của muỗi, nếu sống trong điều kiện thích hợp chúng sẽ phát triển thành muỗi trưởng thành. Muỗi chính là nguyên nhân làm lây lan dịch sốt xuất huyết. Do đó để phòng bệnh sốt xuất huyết, việc loại bỏ nơi sinh sản của các vi sinh vật này sẽ giúp tiêu diệt tác nhân truyền bệnh.

Muỗi cái có tập tính đẻ trứng ở những nơi có nước đọng sau đó trú ngụ nhiều ở những góc tối, ẩm thấp. Do đó bạn nên:

  • Tránh để ao tù, nước đọng trong các chum, vại, chai, lọ, mảnh vỡ, lốp xe,... xung quanh và bên trong nhà
  • Đậy kín tất cả vật dụng chứa nước, phải thường xuyên vệ sinh, cọ rửa các vật dụng này vì muỗi có xu hướng đẻ trứng ở mép nước.
  • Dọn dẹp vệ sinh cảnh quan, phát quang bụi rậm, ẩm thấp, lấp các ổ nước bằng đất, đá, cát
  • Sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng, sạch sẽ, loại bỏ các vật phế thải, tránh tạo góc khuất cho muỗi trú ngụ
  • Lật úp những dụng cụ chứa nước không sử dụng tránh để nước tù đọng
  • Không nên để nước đọng ở các khu vực kệ chén bát, rổ rá, khay đựng nước,...
  • Thay nước bình hoa thường xuyên
  • Xử lý nguồn nước, khơi thông cống rãnh
  • Thả cá bảy màu, cá nhỏ vào ao vì chúng có khả năng diệt loăng quăng, bọ gậy
Muỗi sinh sản ở những nơi có nước đọng (Nguồn: Canva)

Muỗi sinh sản ở những nơi có nước đọng (Nguồn: Canva)

Phòng chống muỗi đốt

Virus gây sốt xuất huyết được truyền vào cơ thể thông qua vết đốt của muỗi. Do đó, bạn phải hạn chế bị muỗi đốt càng triệt để càng tốt. Bạn nên:

  • Mắc mùng, màn khi đi ngủ, kể cả ngủ ban ngày
  • Mặc quần áo dài tay
  • Sử dụng kem chống muỗi, bình xịt muỗi, hương muỗi, vợt muỗi,... để tránh bị muỗi đốt.
  • Muỗi không thích nghi với không khí lạnh nên sử dụng điều hòa nhiệt độ có thể làm giảm hoạt động của loài vi sinh vật này
  • Đối với trẻ em, cha mẹ cần chú ý nhắc nhở không cho trẻ chơi đùa ở những nơi ẩm thấp, ao tù, nước đọng, thường xuyên để mắt đến trẻ.

Tích cực phối hợp với địa phương trong các đợt phun hóa chất phòng dịch

Để tăng cường hiệu quả tiêu diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết, các đơn vị địa phương thường tổ chức nhiều đợt phun hóa chất vào đầu, giữa và cuối mùa mưa. Gia đình và cộng đồng nên có sự hưởng ứng, phối hợp chặt chẽ trong công tác này. Bởi nếu phun thuốc diệt muỗi trên một diện tích rộng nhưng một vài hộ gia đình không hợp tác thì muỗi có xu hướng sẽ tập trung về các khu vực này khiến hiệu quả phòng bệnh giảm đi đáng kể. Ngược lại, nếu gia đình tự ý phun thuốc nhưng không đúng loại và liều lượng thì khả năng tiêu diệt muỗi cũng rất thấp.

Phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết (Nguồn: Canva)

Phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết (Nguồn: Canva)

Theo các chuyên gia, người dân cần đóng kín cửa sổ, cửa thông gió, cửa ra vào khi tiến hành phun hóa chất. Phải thu dọn đồ đạc, dụng cụ, thực phẩm trước khi phun để không bị nhiễm thuốc. Trong thời gian phun, người dân nên ra khỏi nhà và chỉ quay lại sau ít nhất từ 30 phút - 1 tiếng đồng hồ. Riêng đối với người có cơ địa nhạy cảm, nếu nhận thấy hóa chất dính lên cơ thể, bạn nên tiến hành rửa sạch, hoặc nặng hơn thì phải đến cơ sở y tế để được điều trị.

Trên đây là những nguyên tắc và biện pháp giúp phòng bệnh sốt xuất huyết đơn giản, hiệu quả mà bạn có thể áp dụng ở nơi sinh sống và làm việc của mình. Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc đặc trị cho sốt xuất huyết, do đó việc chủ động phòng ngừa chính là cách tốt nhất để bạn hạn chế nguy cơ mắc bệnh cũng như nguy cơ đối mặt với biến chứng nguy hiểm do sốt xuất huyết gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm, do đó việc phòng ngừa phải được thực hiện ở cả cá nhân, gia đình và toàn cộng đồng.

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan