Quay lạiQuay lại

04 kinh nghiệm khi chọn mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe

24/3/2023

Share

Nội dung chính

I. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe là gì?
II. Phân biệt thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thuốc điều trị
III. Kinh nghiệm mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe
1. Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và đã được kiểm định an toàn
2. Đọc kỹ thành phần, liều lượng
3. Đọc kỹ khuyến cáo và tác dụng phụ
4. Không thể thay thế hoàn toàn nguồn dưỡng chất từ tự nhiên
Tạm kết

Trên thị trường hiện nay, một số loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe rất được yêu thích nhờ vào lợi ích của chúng trong việc bảo vệ và cải thiện chức năng của cơ thể. Tuy nhiên, điều đáng buồn là thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe đôi khi bị “tâng bốc” quá đà khiến nhiều người nghĩ rằng đây là “thần dược” có thể trị được bách bệnh. Hậu quả là không ít người tin theo và lâm vào trình trạng sức khỏe không những không được cải thiện mà còn “xuống cấp” trầm trọng hơn trước.

Chính vì vậy, để có cái nhìn sáng suốt hơn về thực phẩm bảo vệ sức khỏe là gì, cách lựa chọn và sử dụng đúng mời bạn cùng Papaya đọc bài viết này nhé.

I. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe là gì?

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe là gì?

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe là gì?

Nghị định 15/2018/NĐ-CP giải thích về thực phẩm bảo vệ sức khỏe như sau:

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Thành phần của thực phẩm bảo vệ sức khỏe sẽ chứa một hoặc nhiều chất hoặc hỗn hợp các chất sau:

  • Vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzyme, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác.
  • Chất có nguồn gốc tự nhiên, bao gồm động vật, khoáng vật và thực vật dưới dạng chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa.

Chúng thường được chế biến ở nhiều dạng như viên nang, viên hoàn, viên nén, chế phẩm dạng cốm, bột, lỏng, các dạng bào chế khác và được phân liều (để sử dụng) thành các đơn vị liều nhỏ.

Tùy theo công thức, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng mà thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn được biết đến với các tên gọi khác nhau như thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng y học.

II. Phân biệt thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thuốc điều trị

Đặc điểm phân biệt giữa thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thuốc.

Đặc điểm phân biệt giữa thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thuốc.

Khi xem đoạn quảng bá về một loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào đó trên tivi, bạn luôn nghe một câu nói quen thuộc: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Lời khuyến cáo này là yêu cầu bắt buộc đối với những nhà sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi quảng cáo sản phẩm ra ngoài công chúng. Đồng thời, nhãn hàng cũng không được phép “thổi phòng”, “biến hóa” hiệu quả sử dụng của sản phẩm.

Về bản chất, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là những sản phẩm giúp bổ sung các chất thiếu hụt trong cơ thể, đảm bảo quá trình chuyển hóa diễn ra bình thường, góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe, phòng ngừa bệnh chứ không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh trong việc điều trị bệnh. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe sẽ được quản lý tại Cục an toàn thực phẩm, trước khi đến tay người tiêu dùng cần phải được chứng nhận và có giấy phép lưu hành sản phẩm.

Trong khi đó, thuốc lại là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng trong mục đích phòng bệnh, điều trị, giảm nhẹ triệu chứng bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý của cơ thể. Chính vì vậy, các loại thuốc trước khi lưu hành trên thị trường đều phải trải qua quá trình cấp phép và quản lý chặt chẽ bởi Cục Quản lý Dược.

Việc phân biệt rõ thuốc và thực phẩm chức năng giúp bạn hiểu được từng mục đích sử dụng từ đó có cách dùng phù hợp. Trong nhiều trường hợp, người dùng có thể phối hợp sử dụng cả hai loại này nhằm tăng hiệu quả điều trị, nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, bạn cần trao đổi trước với bác sĩ để đảm bảo không xảy ra phản ứng không mong muốn nào.

III. Kinh nghiệm mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe

1. Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và đã được kiểm định an toàn

Khi mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe (hay thực phẩm chức năng) đừng vì ham rẻ mà mua đồ không rõ nguồn gốc hoặc đơn thuần tin vào lời quảng cáo “thần thánh” trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tốt nhất bạn nên chọn mua ở những đại lý uy tín, thương hiệu có danh tiếng tốt trên thị trường. Ngoài ra, trên bao bì của sản phẩm cần được ghi rõ thông tin nguồn gốc như nơi sản xuất, tên, số điện thoại, số hotline liên hệ… 

Đồng thời, sản phẩm cũng phải đã qua kiểm duyệt của cơ quan chức năng và đạt đủ tiêu chuẩn được chính phủ cho phép lưu thông trên thị trường.

2. Đọc kỹ thành phần, liều lượng

Tuy có cùng công dụng nhưng những loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe khác nhau có thể gồm thành phần không giống nhau.

Tuy có cùng công dụng nhưng những loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe khác nhau có thể gồm thành phần không giống nhau.

Nhiều sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe tuy có công dụng giống nhau nhưng có thể sẽ chứa những thành phần, hoạt chất khác nhau. Do đó, khi mua sản phẩm bạn nên tham khảo kỹ thành phần gồm những chất gì, hàm lượng thế nào. Tham khảo ý kiến từ người có chuyên môn xem với thành phần và hàm lượng như thế này có phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại của bản thân không trước khi đưa ra quyết định sử dụng nhé!

3. Đọc kỹ khuyến cáo và tác dụng phụ

Hầu hết nhà sản xuất đều có phần khuyến cáo sản phẩm không thích hợp với một số đối tượng cụ thể khi sử dụng ví dụ như phụ nữ mang thai, người cao huyết áp, người có bệnh lý tim mạch… Do đó, cần đọc kỹ mục này để biết bản thân có phải là đối tượng không nên dùng hay không.

Ngoài ra, tác dụng phụ cũng là một trong những mục quan trọng bạn cần để ý đến khi sử dụng. Một số trường hợp khi sử dụng sản phẩm có thể gặp phản ứng không mong muốn như nổi mẩn, ngứa, buồn nôn… Đọc kỹ các thông tin cung cấp từ nhà sản xuất, liệu rằng các phản ứng này có “bình thường” hay “bất thường” khi sử dụng không? Để ý các phản ứng của cơ thể giúp bạn kịp thời đưa ra phán đoán và cách xử lý phù hợp.

4. Không thể thay thế hoàn toàn nguồn dưỡng chất từ tự nhiên

Với suy nghĩ chỉ cần sử dụng sản phẩm bổ sung là đủ, không cần bổ sung thêm thực phẩm nào khác là hoàn toàn sai lầm.

Tuy có nhiều lợi ích nhưng thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là sản phẩm “thần thánh” chữa khỏi được bách bệnh. Một người hoàn toàn khỏe mạnh không nên sử dụng sản phẩm bổ sung, bởi khi sử dụng ít nhiều cũng đều gây ảnh hưởng đến cơ thể bạn, chưa kể nếu không được dùng đúng cách còn mang lại những điềm xấu. Do vây, hãy sử dụng khi thực sự cần thiết bạn nhé!

Tạm kết

Tóm lại, thực phẩm bảo vệ sức khỏe dù nhiều công dụng đến đâu cũng không thể hoàn toàn thay thế được toàn bộ các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm tươi sạch. Khi sử dụng, người dùng không nên lạm dụng, sử dụng quá đà. Thay vào đó, hãy chủ động xây dựng chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng gồm 4 nhóm dưỡng chất chính là bột đường, chất béo, chất đạm, vi chất để tăng cường sức khỏe nhé.

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan