Quay lạiQuay lại

Phát ban do sốt xuất huyết có nhanh khỏi không?

21/1/2023

Share

Nội dung chính

I. Sốt xuất huyết là gì?
II. Sốt xuất huyết có những triệu chứng gì?
1. Giai đoạn ủ bệnh
2. Giai đoạn sốt
3. Giai đoạn nguy hiểm
4. Giai đoạn phục hồi
III. Phát ban sốt xuất huyết bao lâu thì khỏi?
IV. Nên làm gì khi bị sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết là bệnh do virus gây ra, dễ dàng lây truyền và bùng phát thành dịch vào thời điểm mùa mưa hàng năm. Khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh có thể nhận thấy sự xuất hiện dày đặc của các nốt phát ban trên da. Vậy tình trạng phát ban sốt xuất huyết này có nguy hiểm không? Bao lâu thì khỏi? Hãy cùng Papaya tìm hiểu chủ đề này trong bài viết dưới đây nhé.

Tìm hiểu phát ban do sốt xuất huyết có nhanh khỏi không.

Tìm hiểu phát ban do sốt xuất huyết có nhanh khỏi không.

I. Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh lý thường gặp tại các nước nhiệt đới, do virus Dengue gây ra. Bệnh lây từ người sang người thông qua sinh vật trung gian truyền bệnh là muỗi cái giống Aedes (hay còn gọi là muỗi vằn). Bệnh sốt xuất huyết diễn ra quanh năm nhưng tập trung cao điểm nhất vào tháng 7 đến tháng 11. Đây là mùa mưa ẩm thấp, phù hợp cho sự sinh sôi và phát triển của muỗi.

Người mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ xương, xuất huyết... Những trường hợp chuyển nặng có thể gặp biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Do đó, việc phòng ngừa và phát hiện sớm sốt xuất huyết để điều trị kịp thời là hết sức quan trọng.

II. Sốt xuất huyết có những triệu chứng gì?

Bệnh sốt xuất huyết thường trải qua 4 giai đoạn với các biểu hiện cụ thể như sau:

1. Giai đoạn ủ bệnh

Thời gian ủ bệnh của sốt xuất huyết kéo dài từ 3 - 13 ngày. Trong thời gian này, người bệnh hầu như chưa có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào.

2. Giai đoạn sốt

Giai đoạn này diễn ra trong 3 ngày đầu mắc bệnh. Các triệu chứng bao gồm:

  • Sốt cao từ 39 - 40 độ C
  • Đau đầu, mệt mỏi nhiều
  • Đau các khớp, nhức mỏi cơ thể
  • Chán ăn, buồn nôn
  • Có thể bắt đầu xuất hiện những chấm đỏ nhỏ trên da

3. Giai đoạn nguy hiểm

Tình trạng phát ban trên da khi bị sốt xuất huyết (Nguồn: Canva)

Tình trạng phát ban trên da khi bị sốt xuất huyết (Nguồn: Canva)

Đây là giai đoạn diễn ra từ ngày 3 - ngày 7 của bệnh. Lúc này, bệnh nhân vẫn tiếp tục sốt hoặc có thể giảm. Tuy nhiên các biểu hiện của sự xuất huyết bắt đầu bộc lộ rõ hơn, thông qua nhiều mức độ khác nhau như:

  • Nhẹ nhất là xuất huyết dưới da: tình trạng phát ban da ngày càng nhiều, có thể đi kèm cảm giác ngứa.
  • Chảy máu chân răng, chảy máu cam.
  • Nặng hơn là xuất huyết đường tiêu hóa với biểu hiện: đi ngoài phân đen hoặc có lẫn máu.
  • Biến chứng nguy hiểm là xuất huyết não, xuất huyết trong ổ bụng gây nguy hiểm tính mạng.

Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất bởi tình trạng xuất huyết kéo dài có thể gây nên hiện tượng cô đặc máu làm giảm huyết áp, sốc do giảm thể tích tuần hoàn. Do đó, khi nhận thấy bệnh trở nặng, người bệnh vật vã, li bì, đau đầu, đau bụng dữ dội... hãy đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí và điều trị kịp thời.

4. Giai đoạn phục hồi

Ở giai đoạn này người bệnh hạ sốt dần và hết sốt. Huyết áp và các chỉ số khác của cơ thể trở về ổn định. Đồng thời có các dấu hiệu hồi phục như:

  • Giảm mệt mỏi: Tình trạng sốt thuyên giảm làm cho người bệnh cảm cảm thấy đỡ đau đầu, mệt mỏi, tinh thần thoải mái và cơ thể dần khỏe mạnh hơn. 
  • Lượng bài tiết nhiều hơn: Sốt cao thường gây mất nước dẫn đến lượng nước tiểu giảm. Khi bệnh vào giai đoạn hồi phục, lượng nước trong cơ thể dần trở lại bình thường nên người bệnh có xu hướng tăng bài tiết. Đây là dấu hiệu cho thấy sốt xuất huyết đã thuyên giảm, tình trạng phát ban cũng sẽ nhanh chóng biến mất.
  • Ăn ngon miệng hơn: Sốt xuất huyết thường khiến bệnh nhân chán ăn, mất vị giác, buồn nôn. Bên cạnh đó, cơ thể mệt mỏi, suy kiệt cũng làm cho người bệnh ăn uống kém. Khi cảm giác thèm ăn, ăn ngon miệng trở lại thì đây là dấu hiệu cho thấy bệnh đã vào giai đoạn hồi phục. 

III. Phát ban sốt xuất huyết bao lâu thì khỏi?

Triệu chứng phát ban sốt xuất huyết có thể kéo dài từ 3 - 5 ngày, tùy vào tình trạng bệnh ở mỗi người. Phát ban sốt xuất huyết chỉ thuyên giảm khi người bệnh không xuất hiện thêm các nốt ban mới trên da.

IV. Nên làm gì khi bị sốt xuất huyết?

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết, việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng. Do đó, ngay khi nhận thấy có dấu hiệu của sốt xuất huyết, bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và xác định rõ nguyên nhân. 

Trong trường hợp bị sốt xuất huyết nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định điều trị tại nhà trong vòng 7 - 10 ngày. Trong thời gian này, bạn nên:

  • Bù nước và khoáng đầy đủ
Cấp nước đầy đủ cho cơ thể khi bị sốt xuất huyết.

Cấp nước đầy đủ cho cơ thể khi bị sốt xuất huyết.

Tình trạng sốt cao khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng. Điều này không những gây nên cảm giác suy kiệt, mệt mỏi nhiều mà còn khiến cơ thể phải đối mặt với nguy cơ giảm huyết áp, giảm thể tích tuần hoàn.

Do đó, một trong những nguyên tắc khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà là phải bù nước và khoáng đầy đủ. Bệnh nhân có thể bổ sung bằng nước lọc, nước khoáng, nước oresol, nước dừa, nước trái cây... Nên chia thành nhiều lần, mỗi lần một lượng thể tích vừa phải.

  • Tránh gió và nước lạnh

Người mắc sốt xuất huyết có hệ miễn dịch yếu và nhạy cảm với nhiệt độ thấp. Do đó, người bệnh nên nghỉ ngơi tại nhà, không nên ra gió. Khi vệ sinh cơ thể, tốt nhất nên lau người bằng nước ấm, tránh ngâm mình trong nước lạnh. 

  • Không tự ý sử dụng thuốc

Việc sử dụng thuốc điều trị sốt xuất huyết cần phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Nhất là đối với thuốc hạ sốt.

Người bệnh mắc sốt xuất huyết chỉ nên hạ sốt bằng paracetamol, tuyệt đối không sử dụng các thuốc như aspirin, ibuprofen để giảm đau, hạ sốt. Hai loại thuốc này có tác dụng phụ gây xuất huyết, do đó có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh.

✨Tham khảo thêm: 06 thực phẩm vàng giúp nhanh khỏi sốt xuất huyết

Hy vọng rằng, thông qua những kiến thức mà Papaya chia sẻ, bạn đọc đã hiểu hơn về bệnh lý sốt xuất huyết cũng như tình trạng phát ban sốt xuất huyết khi mắc bệnh. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm phổ biến, lây lan nhanh và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, bạn nên chủ động phòng bệnh và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị để nhanh chóng hồi phục nhé.

Quay lạiQuay lại
Share
Bài viết có liên quan